1. Mùa đông năm ấy, anh biến mất vào một ngày đầy tuyết, như một bông hoa tuyết rơi xuống đất rồi lặng lẽ tan chảy đi. Tôi, thất tình trong những ngày lạnh như đá, lạc lõng giữa khung cảnh mùa đông ủy mị và xám xịt, bị trêu ngươi bên tai bởi những khúc nhạc Giáng Sinh rộn ràng, bởi những cái ôm, cái nắm tay ấm áp của người qua lại trên phố.
Mùa đông năm ấy, tôi cắt phăng mái tóc ngang eo thẳng mượt, để rồi chẳng bao giờ còn đủ kiên nhẫn mà nuôi dài được nữa.
Mùa đông năm ấy, tôi bắt đầu sưu tập những cái khung hình. Vì anh đã đem theo tấm hình chụp chung duy nhất của hai đứa và quẳng lại cho tôi cái khung chính tay anh làm. Vì chuyện ra đi của anh là điều tôi muốn nhằn đi nhằn lại với bản thân, như một bài học cho sự “cả yêu” của mình.
2. Mùa đông Sài Gòn là mùa đông giả vờ. Chỉ là một nhúm se lạnh trong không khí. Chỉ là những cơn gió chực chờ khắp ngõ mà vồ bắt lấy những mái tóc buông xõa điệu đà, mà tung tẩy những chiếc váy voan dập dình trên phố. Chỉ là một bầu trời cao xanh văn vắt.
Đi trên phố giữa tiết đông nhiệt đới, tôi thấy nhồn nhột vì một con gió tinh nghịch đang rứt lấy rứt để những ngọn tóc nhuộm nâu ngắn cũn sau gáy mình. Tôi nghe tiếng hai gót giày cao chới với gõ hiên ngang trên từng viên gạch lát phố. Tôi hít hà thật lực làn khí man mát vào đầy hai lỗ mũi, vào đầy hai cuống phổi, vào đầy hai lá phổi. Tôi ngẩng cao đầu sải những bước dài tự tin, thẳng lưng và ưỡn ngực. Tôi lách người qua hai vị hưu trí đến từ phương Tây, miệng “sorry” theo thói quen và mắt vẫn nhắm thẳng về phía trước. Tôi bước qua những cửa hiệu boutique độc đáo và sang cả. Tôi bước qua một cửa hàng bày bán những vật dụng trang trí theo phong cách Nhật Bản đơn giản mà tinh tế. Và tôi bước lùi lại…
Trong vòng chưa đầy hai giây, từ vị trí đứng trên phố tôi đã lao vào cửa hàng và tóm lấy cái khung hình bằng da nhuộm đỏ trong tủ trưng bày. Mười ngón tay tôi bấu cứng cái khung và lòng tôi chơi điệu disco của sự bất ngờ: Trên tay tôi là anh/chị/em sinh đôi của cái khung mà người yêu cũ tôi để lại vào một ngày mùa đông của thì quá khứ.
– Cho tôi gặp người làm ra chiếc khung này. – Tôi quay lại, nói với cô bán hàng bằng giọng điệu sắc lạnh của một vị khách sộp đanh đá và khó chiều.
– Thưa chị, rất tiếc là ông chủ vừa rời khỏi đây ạ. – Cô nhân viên rõ ràng là không ưa thái độ của tôi nhưng vẫn cố niềm nở.
– Gọi anh ta quay lại. Nếu không, cô không đủ sức gánh hết những chuyện sẽ xảy ra đâu. – Tôi kết thúc câu nói bằng một nụ cười nhếch mép đầy kiêu hãnh của kẻ mạnh.
Gần nửa giờ đồng hồ sau, ông chủ kiêm nghệ nhân cũng đến. Tóc tết những con rít sát da đầu, tai toòng teeng năm cái khuyên tai bạc xỉn, túi quai chéo bằng bố sợi to, quần skinny jeans mặc với áo thun cam nhạt và áo khoác len mỏng màu xám. Vì sao tôi biết chắc đấy không chỉ là một vị khách giống như mình? Vì đấy là bạn trai cũ của tôi.
– Ngọc Bích?
– Anh vẫn như cũ, bê bối trong gọn gàng. Giảm giá cho em cái khung này nhé? – Tôi đưa cái khung lên ngang mặt, miệng cười tươi và mắt lấp lánh.
– Ok… – Vĩ tốn nhiều giây uốn lưỡi mới phát ra được âm hơi gọn lỏn này. – … Đi cà phê với anh nhé! – Sau khi tôi đã quay lưng bước đến quầy tính tiền, anh mới lấy đủ hơi để kết thúc câu nói.
– Ok! – Tôi đáp mà không quay đầu lại.
3. Thay vì đi cà phê, chúng tôi rẽ vào một nhà hàng Nhật Bản. Vì bụng tôi đã kêu lên một tiếng ‘ọc’ rõ to ngay khi vừa bước ra khỏi cửa hiệu của anh.
Ngồi bên quầy bar bao quanh khu vực làm sushi, tôi nhấm nháp cốc rượu mận thơm lừng cùng những que đậu nành xanh bùi béo, mắt mải miết nhìn ngắm những anh thợ làm sushi đầu chít khăn nhiều màu bắt mắt. Lần nào ăn món Nhật, tôi cũng phải chọn cho được chỗ ngồi bên quầy bar để nhìn người ta chế biến món ăn. Những ngón tay điêu luyện, những động tác điệu nghệ, những ánh mắt chăm chú tột độ – Đấy là món gia vị vô hình khiến miếng sushi trong miệng tôi càng thêm hảo hạng. Cái ngon không chỉ từ nguyên liệu và công thức, cái ngon toát ra từ lòng say nghề của những anh đầu bếp.
Tôi thấy má mình nóng nóng. Có lẽ vì uống rượu chay với đậu nành nên chất cồn mau ngấm hơn. Trong đầu tôi nhập nhòe hình ảnh của chính mình lúc này – giống như hồn tôi vừa lìa khỏi xác, đứng sang một bên quan sát rồi truyền ngược tín hiệu về não. Tôi ngờ rằng đôi má mình đang hồng lên và dưới ánh đèn vàng hẳn trông tôi yêu lắm. Trong tôi có một cảm giác lạ. Cảm giác của cô gái ngấp nghé ngưỡng tuổi 20 của vài năm trước, luôn cố sức tỏ ra tinh ranh nhưng lại sướng đến mụ mị khi có ai khen xinh.
– Thôi nhìn em bằng đôi mắt một mí mở tròn ấy đi. Buồn cười lắm! – Tôi quay sang anh, lấp liếm cơn bối rối vô duyên vì bị nhìn chằm chặp bằng một câu đanh đá.
– Anh ngỡ rằng em sẽ chẳng bao giờ muốn gặp lại anh nữa. – Anh nói rồi đưa cốc rượu của mình lên uống cạn.
– Sao anh lại về? – Tôi thả một que đậu nành vào miệng.
– So với New York, Sài Gòn rất xấu. Không hiện đại, không phá cách, không rực rỡ lung linh, không trang nhã. Sài Gòn như một nàng nhà quê lên tỉnh, diêm dúa và chưa có phong cách…
– Nhưng anh vẫn quay về. – Tôi cắt lời anh trong lúc nhằn vỏ đậu nành ra.
– Những năm sau khi xa em, anh đặt chân lên nhiều vùng đất và rồi anh nhận ra mình đã bị Sài Gòn bỏ bùa. Chẳng biết từ lúc nào anh đã luôn bị thôi thúc bởi ý nghĩ rằng mình phải trở về.
– Chứ chẳng phải vì bị những vùng đất khác từ chối mà anh buộc phải quay về sao?! – Tôi đưa ánh mắt thách thức về phía anh, giọng cay độc.
Anh không nhìn tôi, chỉ tự rót thêm cho mình một cốc rượu và nốc cạn. Lồng ngực tôi bỗng nhói lên một cái. Một sự cảm thương, chẳng biết là dành cho ai…
Năm xưa, anh không có ý định về lại Việt Nam. Anh mong muốn một cuộc sống trên những vùng đất đầy mới lạ, hiện đại và sáng tạo. Tôi thì luôn biết mình phải trở về. Và tôi đã hiếu thắng tin rằng b
ằng sự dịu dàng e ấp và tình yêu mãnh liệt, mình có thể níu anh lại. Nhưng không. Vì không muốn về, vì không muốn bị phân tâm, anh đã cắt tôi ra khỏi cuộc sống của mình như cắt phăng một khối u.
Mùa đông năm ấy, tôi bắt đầu học cách đặt bản thân lên hàng đầu trong mọi quyết định.
Mùa đông năm ấy, sau những nước mắt, oán trách, căm giận, xót xa, nung nấu báo thù, tôi cắt tóc. Tôi thay toàn bộ tủ quần áo. Tôi bắt đầu đánh bạn với đám sinh viên ngoại quốc. Tôi bắt đầu lui tới các quán rượu vào những cuối tuần. Tôi bắt đầu ăn các món ăn của những đất nước khác… Tôi bắt đầu nếm những thứ mà suốt hai năm đầu trên đất Mỹ tôi không làm. Tôi bắt đầu mở mình ra hơn với cuộc sống.
Cũng từ mùa đông năm ấy, tôi luôn sống với niềm tin mơ hồ rằng mình sẽ gặp lại anh vào một thời điểm nào đó của cuộc đời, tại một đô thị hoa lệ nào đó. Trong cả những suy tưởng hoang đường nhất về cuộc hội ngộ của chúng tôi, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng nó lại diễn ra giữa lòng Sài Gòn.
Giờ đây… Anh ruồng bỏ tôi để được gì chứ?
– Mất bao lâu để em cân bằng lại sau khi anh đi? – Anh kéo tôi ra khỏi những vẩn vơ.
– Không rõ nữa. – Tôi nhận ra mình đang cắn môi và những đĩa sushi đã được dọn ra từ lúc nào.
– Em đã chẳng gửi cho anh một email nào.
– Ban đầu em rất hận anh nên không thể làm thế. Rồi khi bình tâm lại, em nghĩ với một người không còn muốn có em trong đời mình, thì tìm cách liên lạc, níu kéo chỉ khiến em giống như một con đỉa. – Tôi nở tặng anh một nụ cười nửa chua chát, nửa trêu ngươi và gắp một miếng sushi đưa vào miệng.
Phần còn lại của bữa tối diễn ra trong ngon lành và những câu xã giao rợn người. Trong suy tưởng của tôi, cuộc hội ngộ chưa bao giờ kiệm lời đến thế. Nhưng nói để làm gì, khi mà sự thay đổi ở mỗi người, người kia đều đã nhận biết được rõ ràng.
4. Ken, anh bạn trai người Thái của tôi, về Bangkok đón Giáng Sinh và Tết Tây cùng gia đình. Đáng ra tôi đã theo anh. Nhưng phút cuối, tôi nằng nặc đòi ở lại vì “Giáng Sinh là để về nhà”.
Sau khi nhìn chiếc máy bay đem Ken lửng lơ lên bầu trời, tôi nhắn tin cho Vĩ. Đêm Giáng Sinh này, tôi muốn chia sẻ với anh. Bởi sau đêm Giáng Sinh này, tôi muốn mối liên hệ của tôi và anh – dù chỉ là thông qua những suy tưởng mơ hồ, những kỷ niệm thấp thoáng – được chấm dứt toàn vẹn.
Tôi hẹn Vĩ trên một cây cầu nối giữa khu trung tâm và một quận ngoại ô. Tránh xa tiếng còi xe huyên náo và bầu khí đầy khói bụi của đám đông đón Noel đang nhung nhúc giữa lòng thành phố. Tránh xa những bông kim tuyến bị thả vô tư và vô duyên lên đầu nhau, vừa rít ngứa vừa bẩn. Tránh xa mùi hơi người nồng nặc và những gương mặt đẫm ướt mồ hôi vì chen lấn. Tôi muốn được tận hưởng đêm Giáng Sinh với toàn vẹn thư thái cả về tinh thần lẫn thể chất.
Tôi hẹn Vĩ trên một cây cầu vì tôi biết…
– Anh mê cảm giác đi qua những cây cầu. – Cách tôi chừng mươi mét, Vĩ vừa tiến đến vừa nói lớn. – Không ngờ em vẫn còn nhớ.
– Đi qua một cây cầu giống như mình đang vượt qua một thử thách, một chặng đường, tiến đến gần hơn ước mơ của mình. – Tôi lặp lại lời nói năm xưa của anh. – Nhưng đêm nay chúng ta sẽ chỉ đứng giữa cầu đón Giáng Sinh, vì anh chưa vượt qua hết chặng đường, chưa chạm được vào ước mơ. MỚI Ở LƯNG CHỪNG THÔI! – Tôi cố ý nói to những chữ cuối, miệng nửa há nửa cười lớn đón làn khí mát lạnh tràn đến từ phía sông.
– Đêm nay là Giáng Sinh, em có thể không cứa vào lòng anh không? – Giọng anh có chút khó chịu.
Tôi quay sang anh, nhoẻn cười và đưa hai ngón tay lên miệng kéo một đường ngang thay lời hứa sẽ không nói nữa.
Anh đem đến hai cốc cà phê hạt dẻ, loại cà phê một thời tôi nghiện nhất, và hai miếng bánh kem nhỏ. Chúng tôi đứng bên nhau, giữa cây cầu, thưởng thức bữa tiệc Giáng Sinh tiết kiệm, hứng những làn gió đêm đông mát mịn, ngắm mặt sông lấp lánh ánh phản chiếu của đủ loại ánh đèn, nghe những âm thanh náo động của đêm lễ hội vọng ra từ khu trung tâm lúc xa lúc gần. Chúng tôi không nói thêm với nhau câu nào cho đến gần nửa đêm, khi chuông một ngôi nhà thờ nhỏ gần đấy bắt đầu bắt đầu đổ.
– Tặng anh…
– Chúc em…
Chúng tôi nói với nhau gần như cùng lúc. Tôi chìa về phía anh một hộp quà vuông vắn, tươm tất. Anh cũng đưa về phía tôi một hộp quà được gói ghém cẩn thận. Chúng tôi ngỡ ngàng trong một giây, cùng cười và nhận lấy chiếc hộp từ tay người kia.
Trong chiếc hộp dành cho tôi là tấm hình chụp chung của chúng cả hai mà mùa đông năm ấy anh đã đem theo khi ra đi. Hai nụ cười sáng lấp lánh. Mái tóc tôi dài và đen. Hai cái đầu chụm sát vào nhau. Hạnh phúc ngập tràn trên từng mm2 của tấm hình. Tim tôi rung lên. Hai tay tôi ôm lấy cái hộp, cứng ngắc trong không khí, chẳng buồn nhấc tấm hình lên.
– Đã đến lúc trả hình về với khung rồi. Anh đã đem theo tấm hình vì không muốn em ôm nó khóc hàng đêm. Càng ít kỷ niệm thì em càng nhanh cân bằng lại. – Giọng anh từ tốn.
– Vậy quà Giáng Sinh cho em là một câu xin lỗi à? – Tôi mỉm cười mà chẳng thể hiểu được ý nghĩa nụ cười của chính mình.
– Không. Chỉ là tấm hình này thôi.
Tôi thở mạnh ra một cái và lại kéo môi thành hình một nụ cười vô nghĩa. Tôi hất ánh mắt về phía chiếc hộp trên tay anh. Những ngón tay anh mở nó ra trong dè dặt, như lo ngại rằng vật trong đấy có thể gây sứt mẻ tâm trạng mình – như chính món quà anh vừa dành cho tôi. Khi lôi chiếc khăn quàng màu ngọc bích ra khỏi chiếc hộp, những thớ cơ trên mặt anh giãn ra. Anh nắm chặt chiếc khăn trên tay, mắt dán vào nó.
– Anh đừng cảm động quá! – Giọng tôi mát mẻ.
– Em đan à?
– Đời nào! Anh có phải bạn trai em đâu mà cần tốn công như thế. Em mua đấy, không rẻ đâu.
– Khăn quàng màu ngọc bích.
– Màu tên em. Những lúc nhìn thấy nó, anh sẽ bị ám ảnh bởi em. Những lúc anh quàng, sẽ như chính tay em đang xiết cổ anh.
Anh nhìn tôi, ánh mắt đầy bối rối và có chút e sợ. Bỗng điện thoại của tôi rung lên. Ken gọi. Tôi nhấc máy và bắt đầu bước khỏi chỗ Vĩ.

“I miss you. Are you warm there? Happy with your family?” – Tôi run lên khi giọng nói mềm rất Thái của Ken dội vào màng nhĩ mình. Nước mắt tôi đột nhiên chảy xuống.
“What? Are you crying?” – Giọng Ken đầy lo lắng. Tôi ép mình bật cười để nén xuống tiếng nấc đang thập thò nơi
thanh quản. Tôi không trả lời, chỉ nghe tiếng cười mình mỗi lúc một leng keng. Ken dồn dập những câu hỏi, tôi lắng nghe và nước mắt chảy ra nhiều hơn.
Tôi sịt mũi một cái. – “I’m ok. Just … kid tueng thoe mak ma!” (1) – Rồi không nghe anh đáp lời, tôi tắt máy.
Tôi quay lại nhìn Vĩ. Anh vẫn đứng yên giữa cây cầu, cách tôi một khoảng vừa phải. Anh nhìn tôi đăm đăm, tay vẫn nắm chặt chiếc khăn quàng cổ màu ngọc bích. Tôi mỉm cười một nụ cười chừng mực về phía anh rồi quay lưng bước đi.
Một làn gió trờ tới quấn quanh thân tôi. Tôi khẽ rùng mình. Cơn gió đem hình ảnh của những mùa đông xưa cũ trở về. Mùa đông tăm tối của cái ngày Vĩ ra đi. Và những mùa đông sau đó. Hình ảnh của chính tôi trong cái lạnh và lẻ loi. Bỗng cái ánh sáng bắt đầu le lói trong tôi kể từ lúc gặp lại Vĩ bùng lên rực rỡ: Tôi đã có giải đáp cho cuộc sống bị lệch bấy lâu của mình. Từ mùa đông năm ấy – cái mùa đông chết tiệt mà Vĩ bỏ tôi như quăng đi một nắm tuyết – tôi đã không còn dám yêu ai hết lòng, hết sức. Điều cuối cùng trong tình yêu là chia ly – Suy nghĩ quái quỷ này không thôi cuộn chặt lấy tâm trí tôi, khiến tôi luôn giữ chừng mực, luôn tạo khoảng cách với bất cứ chàng trai nào mình cặp kè. Tôi sợ bị đau một lần nữa. Và những tơ tình dè dặt, cẩn trọng thì luôn đứt sớm.
– Anh xin lỗi! – Vĩ hét lớn sau lưng tôi.
Tôi quay người lại, nhìn anh mấy giây và bước nhanh đến chỗ anh.
“Bốp!” – Tôi tát Vĩ một cái mạnh. Môi tôi run lên. Tôi cảm nhận được ngọn lửa bỏng rát trong mắt mình. Những tưởng thời gian trôi qua, những tưởng khi tôi mở lòng ra với thế giới, những tưởng khi đầu óc khoáng đạt thì tôi có thể tha thứ cho Vĩ. Nhưng không. Những cảm giác xấu xí chỉ chỉ bị lấp đi, bị ngụy trang bởi mớ lý lẽ cao thượng sáo rỗng, đại loại như “khi không còn muốn bên nhau nữa thì nên thôi đi, không cần nói lời chia tay mà làm gì. Chia tay chỉ làm đau và gây sượng cho cả hai”. Cái cảm giác mình là khối u trong cuộc sống, trong ước mơ của người yêu. Cái cảm giác tình yêu mình cho đi chẳng đáng một xu. Cái cảm giác bản thân rất rẻ.
Tôi nhìn làn má đang đỏ rát của Vĩ mà thấy thoải mái vô tận. Những cái gút trong lòng tôi được mở bung hết ra.
– Chúc anh Giáng Sinh vui vẻ!
Nói rồi, tôi quay đi và bước nhanh. Vừa đi tôi vừa lẩm bẩm với chính mình “Giáng Sinh vui vẻ!” và lòng tôi thật sự cảm thấy như thế. Tôi bắt đầu phác ra những suy tính cho ngày mai: Buổi sáng, tôi sẽ đi nhà thờ với bố mẹ, rồi buổi chiều tôi sẽ đáp máy bay sang Bangkok – ở đó có người biết yêu tôi.

By Floy